Tuesday, February 15, 2022

Nga nói đã rút chút ít quân , Ukraine và NATO muốn có bằng chứng.

  

Tin Ukraine. Feb 15-2022. Ngày hôm nay, thứ Ba. Nga cho biết một số binh sĩ của họ đã trở về căn cứ sau các cuộc tập trận gần Ukraine và chế nhạo những cảnh báo của phương Tây về một cuộc xâm lược sắp xảy ra, nhưng NATO cho biết họ vẫn chưa thấy bất kỳ bằng chứng nào về việc giảm leo thang có thể ngăn chặn xung đột quân sự.
Nga không cho biết có bao nhiêu đơn vị được rút đi, và bao xa, sau khi tăng cường khoảng 130.000 quân Nga ở phía bắc, đông và nam Ukraine đã gây ra một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong quan hệ với phương Tây kể từ sau thời kỳ lạnh .
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết sau cuộc gặp với Tổng thống Vladimir Putin tại Điện Kremlin rằng việc rút một số binh sĩ Nga là một dấu hiệu tốt.
Những người khác đã thận trọng hơn. Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết "thông tin tình báo mà chúng ta đang thấy ngày nay vẫn không đáng khích lệ" và Ukraine cho biết cần phải nhìn thấy sự chứng minh về một báo cáo để được tin tưởng.
Interfax Ukraine dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba cho biết: "Nếu chúng tôi thấy một sự rút lui, chúng tôi sẽ tin tưởng vào một sự giảm leo thang".
Người đứng đầu NATO trong hai ngày qua hoan nghênh các tín hiệu từ Nga rằng nước này có thể đang tìm kiếm một giải pháp ngoại giao nhưng kêu gọi Moscow thể hiện bằng hành động.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với các phóng viên: "Có những dấu hiệu từ Moscow về ngoại giao. Điều này tạo cơ sở cho sự lạc quan thận trọng. Nhưng cho đến nay chúng tôi chưa thấy bất kỳ dấu hiệu giảm leo thang nào từ phía Nga".

Ông Tám Đoàn 1/SLL
 
 
Khủng hoảng Ukraina : Nga khẳng định bắt đầu rút quân
 
Xe tăng Nga trong cuộc tập trận tại vùng Lenigrad. Ảnh do bộ Quốc Phòng Nga công bố ngày 14/02/2022. AP

Minh Anh

Phủ tổng thống Nga hôm nay, 15/02/2022, xác nhận bắt đầu rút bớt quân trú đóng gần biên giới với Ukraina. Điện Kremlin khẳng định đây là một « tiến trình bình thường », đồng thời tố cáo « chứng cuồng loạn » của phương Tây về khả năng sắp xảy ra một cuộc xâm lược Ukraina từ Nga. 

Trước giới báo chí, phát ngôn viên phủ tổng thống, Dmitri Peskov tuyên bố : « Chúng tôi đã nói với quý vị rằng sau khi hoàn tất các cuộc tập trận, các đạo quân sẽ trở về doanh trại của mình. Đây chính là những gì đang diễn ra, đó là một tiến trình bình thường. » 

Theo ông, Matxcơva trong sắp tới sẽ còn tổ chức « nhiều cuộc tập trận khác trên toàn nước Nga » bởi vì « đây là quyền của chúng tôi tổ chức các cuộc tập trận trên lãnh thổ của chúng tôi, ở bất cứ nơi nào chúng tôi đánh giá là thích hợp ».  

Trước những cảnh báo từ phương Tây và nhất là từ Mỹ, cho rằng chiến dịch xâm lược Ukraina sắp xảy ra, ông Peskov lên án một « chiến dịch tuyệt đối chưa từng có nhằm gây ra những căng thẳng ». « Đây chính là một kiểu cuồng loạn không dựa trên một điều gì cả », phát ngôn viên điện Kremlin khẳng định. 

AFP cho rằng, việc Nga ra lệnh cho rút các đội quân được triển khai gần biên giới với Ukraina về doanh trại là một dấu hiệu hạ nhiệt đầu tiên. Sự hiện diện của những đội quân này làm dấy lên mối lo sợ từ nhiều tuần qua khả năng xảy ra một cuộc tấn công chống Ukraina, trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây. 

Hôm qua, chính quyền Matxcơva còn cho phát đi hình ảnh được dàn dựng về cuộc trao đổi giữa tổng thống Nga Vladimir Putin với các bộ trưởng Ngoại Giao Serguei Lavrov và Quốc Phòng là ông Serguei Choigu. Ngoại trưởng Nga cho rằng « vẫn luôn có một cơ hội » để đạt được thỏa hiệp. Ông khẳng định nước Nga còn rất nhiều khả năng hành động, nhưng đồng thời đề nghị các bên « tiếp tục và mở rộng đối thoại ».

Khủng hoảng Ukraina : Mỹ chuyển sứ quán từ Kiev về Lviv
 
Đại sứ quán Mỹ tại Kiev, Ukraina. Ảnh chụp ngày 12/02/2022. REUTERS - VALENTYN OGIRENKO

Phan Minh

Do Nga tiếp tục điều động binh lính một cách ồ ạt ra biên giới chung với Ukraina, hôm qua 14/02/2022 ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thông báo đã quyết định dời đại sứ quán Hoa Kỳ từ thủ đô Kiev về thành phố Lviv ở phía tây Ukraina, gần với biên giới Ba Lan.

Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin tường trình :

Không còn nhiều người tại đại sứ quán Mỹ ở Kiev kể từ khi bộ Ngoại Giao thông báo ngừng các dịch vụ lãnh sự. Kể từ nay, toàn bộ tòa nhà bị đóng cửa và lá cờ Mỹ đã biến mất. Do vậy, một số ít các nhà ngoại giao còn lại đã phải di dời về Lviv, ở phía tây của Ukraina, gần biên giới với Ba Lan. Đó là vì Nga tăng cường điều động binh lính tới biên giới chung với Ukraina và cả trên lãnh thổ Belarus, gần thủ đô Kiev.

Trong một thông cáo, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken giải thích rằng chính quyền chủ yếu quan tâm đến sự an toàn của các nhân viên, và việc dời tới Lviv chỉ là tạm thời và khi tình hình cho phép thì có thể quay lại Kiev. Một lần nữa, ngoại trưởng Blinken lại tha thiết kêu gọi mọi công dân Mỹ nào còn ở Ukraina hãy rời khỏi đây ngay lập tức. Chính quyền Mỹ giải thích rằng một cuộc xâm lược của Nga vào Ukraina có thể xảy ra ngay trong tuần này, mặc dù Lầu Năm Góc không biết liệu tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra quyết định hay chưa.

Về phần mình, tổng thống Ukraina Volodymir Zelensky cho rằng việc các nước đóng cửa đại sứ quán ở Kiev là một sai lầm vì đối với ông, không có tây Ukraina, mà chỉ có một nước Ukraina.

Khủng hoảng Ukraina : Trước thượng đỉnh Scholz-Putin, Đức tỏ rõ lập trường cứng rắn hơn với Nga
 
Tổng thống Nga Vladimir Putin (T) và thủ tướng Đức Olaf Scholz hội đàm tại điện Kremlin, Matxcơva, Nga, ngày 15/02/2022. AP - Mikhail Klimentyev

Trọng Nghĩa

Vào đúng ngày thủ tướng Đức Olaf Scholz đến Matxcơva để “hòa đàm” với tổng thống Nga Vladimir Putin, Matxcơva đã chính thức loan báo việc bắt đầu rút bớt quân đội ra khỏi vùng giáp giới với Ukraina.

Dù Điện Kremlin vẫn khẳng định đây chỉ là diễn biến của một “tiến trình bình thường”, nhưng giới quan sát đã gắn liền động thái này với lập trường cứng rắn rõ rệt của Berlin đối với Matxcơva trên vấn đề Ukraina, đặc biệt là sự thay đổi thái độ thường bị gán là thân Nga của đảng Dân Chủ Xã Hội Đức SPD, đảng của chính thủ tướng Scholz. 

Kể từ khi từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng với Ukraina, chính phủ Đức thường xuyên bị hoài nghi là thiếu quyết đoán trước các đe dọa xâm lược Ukraina của Nga, vốn bị cả phương Tây lên án. Thái độ gọi là “khoan dung” này của Berlin bị cho là xuất phát từ việc đảng Dân Chủ Xã Hội Đức - đảng chủ chốt trong liên minh đang cầm quyền - luôn bị cáo buộc là thân Nga.  

Chính trong bối cảnh đó mà thủ tướng Olaf Scholz đã phải liên tiếp chứng tỏ rằng nước Đức không hề quỵ lụy trước áp lực của Nga và luôn luôn sát cánh cùng các đồng minh trên vấn đề Ukraina.  

Động thái gần đây nhất chính là tuyên bố cứng rắn của ông Scholz tại Kiev một hôm trước ngày đến Matxcơva. Thủ tướng Đức đã cảnh cáo rằng Nga sẽ bị những biện pháp trừng phạt kinh tế thật nặng nề nếu tấn công Ukraina. Sức ép của thủ tướng Đức được cho là rất có trọng lượng đối với Nga vì lẽ Berlin là đối tác thương mại số một của Matxcơva ở châu Âu và là khách hàng khí đốt lớn nhất của Nga.  

Ngoài áp lực đến từ đương kim chính phủ Đức, Nga còn bị áp lực từ chính đảng SPD đang cầm quyền tại Đức, với một sự kiện hiếm hoi là chính tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier, một nhân vật rất uy tín trong đảng, vừa tái đắc cử hôm 13/02 cho một nhiệm kỳ mới, đã không ngần ngại lên tiếng kêu gọi đồng nhiệm Nga Putin lui binh. 

Theo ghi nhận của nhật báo Pháp Le Monde ngày 14/02, trong diễn văn nhậm chức của mình, ngoài những lời cảm ơn thông thường, ông Steinmeier đã kêu gọi tổng thống Nga là hãy “nới lỏng giây thòng lọng khỏi cổ Ukraina” để cùng với Đức “tìm ra cách để gìn giữ hòa bình ở châu Âu”. Tổng thống Đức còn nói thêm: “Nếu chẳng may nổ ra một cuộc chiến tranh ở Đông Âu, Nga phải chịu trách nhiệm”. 

Đối với Le Monde rất hiếm khi một tổng thống Đức, với vai trò chủ yếu là danh dự - lại can dự vào chính sách đối ngoại của đất nước, thậm chí, ông còn công khai thách thức một nguyên thủ quốc gia khác. 
Việc ông lên tiếng chứng tỏ quyết tâm của Berlin trong việc gây sức ép trên Matxcơva, một sức ép càng hiệu quả hơn khi bản thân ông Steinmeier lại là một người từ lâu đã được xếp vào nhóm “Russlandversteher” (“những người thông cảm với Nga”), một thuật ngữ thường được sử dụng ở Đức để chỉ trích các lãnh đạo chính trị bi cho là khoan dung quá mức đối với Điện Kremlin. 

Theo Le Monde, trước hai chuyến công du của thủ tướng Olaf Scholz đến Kiev rồi đến Matxcơva, bài phát biểu của ông Steinmeier có mục đích kép. Trước hết phản bác những người, trong những tuần gần đây, đã đánh giá rằng chính phủ Đức thiếu đoàn kết với Ukraina bằng cách từ chối giao vũ khí cho nước này và không nói rõ tương lai của đường ống dẫn khí Nord Stream 2 sẽ ra sao trong trường hợp một cuộc tấn công của Nga. 

Mục tiêu thứ hai là nhằm khẳng định lập trường đoạn tuyệt với một nhân vật quan trọng khác trong đảng SPD, là cựu thủ tướng Gerhard Schröder, một người thân Nga đến mức mà vào ngày 28 tháng 1 vừa qua đã cáo buộc NATO chịu trách nhiệm cho sự leo thang, trong khi Nga thì "không có lợi ích gì khi can thiệp quân sự vào Ukraina”. 

Tuyên bố này của ông Schröder từng bị phó chủ tịch SPD, Kevin Kühnert, miêu tả là “nhảm nhí”, và bị thủ tướng Scholz phủ nhận khi cho rằng: “Ông  Schröder không làm việc cho chính phủ và không phát biểu nhân danh chính phủ”.

No comments:

Post a Comment