Saturday, February 19, 2022

10 CÂU NÓI HAY VÀ Ý NGHĨA CỦA NGƯỜI DO THÁI

 1. Một cốc nước sạch vì một giọt nước bẩn mà trở nên vẩn đục, nhưng một cốc nước đục không thể vì một giọt nước sạch mà trở nên tinh khiết.

2. Nếu bạn thực sự tài năng, thì bạn sẽ không sợ mình không may mắn.

3. Đừng sợ đi chậm. Chỉ sợ đứng yên.

4. Trên đời không có sự phân biệt rõ ràng giữa bi kịch và hỷ kịch, nếu bạn có thể bước ra từ bi kịch, đó là hỉ kịch. Nếu bạn chìm đắm mãi trong hỉ kịch, đó là bi kịch.

5. Nếu không đọc sách, đi vạn dặm đường chẳng qua
cũng chỉ là một người đưa thư.

6.Cái khuy áo đầu tiên sai, cái sau cùng khó mà chữa được.

7. Bạn bè thực sự không phải là những người có thể ngồi với nhau nói chuyện cả ngày không hết mà là những người ngay cả khi chẳng nói với nhau câu nào vẫn không cảm thấy ngại ngùng.

8. Ngựa thường dễ bị khuỵu chân trên những con đường đất mềm, con người dễ ngã gục trong những lời đường mật.

9. Đừng sợ rằng bạn không biết một cái gì đó.
Hãy sợ rằng bạn không chịu tìm hiểu về nó.

10. Thời gian tốt nhất để trồng cây là vào 20 năm trước.
Thời gian tốt thứ hai là ngay bây giờ.

Nội Quy Nha Kỹ Thuật

  

Từ khi đến Hoa Kỳ và sau một thời gian ổn định công ăn việc làm cũng như đời sống  người Việt tỵ nạn cộng sản đã bắt đầu sinh hoạt tập thể như những hội đoàn cựu Quân Nhân, nơi nào có đông người Việt đều có Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia và từ đó bắt đầu có nội quy để sinh hoạt làm nền tảng  phương thức và lập trường của hội đoàn đang sinh hoạt. Đính kèm phía trên là Tôn Chỉ Hoạt Động và Nội Quy của Hội CQN Nha Kỹ Thuật.
Một thời gian sau đó Hội Nha Kỹ Thuật cũng được ghi danh với Tiểu Bang California (Articles of Incorporation) 501C3 Non Profit
 
 
Đối với một số hội đoàn hay cơ sở tôn giáo muốn được hưởng quy chế Non Profit. Nội Quy (By Laws) phải duy trì theo luật lệ của Tiểu Bang và IRS.
 



 

 

 








Bầu Cử Tổng Hội Nha Kỹ Thuật Washington D.C. 2018

 Đề cử: C/H Hoàng Như Bá, C/H Nguyễn Đức Nhữ và C/H Chung Tử Ngọc.

C/H Nguyễn Đức Nhữ từ chối.
Kết quả:
C/H Hoàng Như Bá 22/40
C/H Chung Tử Ngọc 8/40

Tuesday, February 15, 2022

Vũ Án Chùa Bảo Quang Santa Ana và những vấn đề liên quan đến "Non Profit" và cuối cùng các thầy trù trì phải ra khỏi chùa. Luật Sư Trương Phú Hòa: HĐQT chùa Bảo Quang vi phạm ‘By Law’ nhưng vẫn hợp pháp

Ngọc Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Những “xung đột” xảy ra tại chùa Bảo Quang giữa những người đang giữ vai trò điều hành trong Hội Đồng Quản Trị (HĐQT – Board of Directors) và tân trụ trì cùng một nhóm Phật tử kể từ Tháng Chín, 2019 đến nay vẫn còn đang tiếp diễn, thậm chí có chiều hướng gia tăng theo những gì được công bố trên một số báo đài.

Nhân sự kiện này, nhật báo Người Việt đã mời Luật Sư Trương Phú Hòa hiện có văn phòng tại thành phố Fountain Valley, miền Nam California, là người đã hành nghề luật từ năm 1991, chuyên về luật thương mại, trả lời một số câu hỏi liên quan đến các vấn đề của chùa Bảo Quang.

Trong đó, Luật Sư Hòa có nói, “Hiện tại những người trong HĐQT không phải là bất hợp pháp ‘illegal’ mà chỉ là quá hạn bầu bán.”

Ông cũng cho rằng, “Khi một vị trụ trì mất đi mà nói ‘tôi để cái này lại cho người này, cho người kia’ là vị đó đã vi phạm Điều Lệ, tức ‘By Law,’ vì luật của tiểu bang không cho tẩu tán hay phân chia tài sản của ‘non-profit organizations.'”

Chùa Bảo Quang, một trong những ngôi chùa lớn nhất ở Quận Cam nói chung và Little Saigon nói riêng, do cố Hòa Thượng Thích Quảng Thanh sáng lập vào năm 1990 theo quy chế “non-profit corporation” (công hội bất vụ lợi).

Trước khi cố hòa thượng viên tịch, chùa Bảo Quang, tên gọi đầy đủ là Vietnamese-American Center For Buddhism and Charitable Services – Bao Quang, có một ban điều hành, cũng là HĐQT, với ba thành viên, trong đó Hòa Thượng Thích Quảng Thanh vừa là trụ trì vừa là chủ tịch, ông Lộc Hoàng Bạch là thư ký và bà Christie Hoàng Bạch là thủ quỹ.

Mặt tiền chùa Bảo Quang trên đường Newhope, 
thành phố Santa Ana, California. 
(Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Trong những ngày cuối đời, ngay trên giường bệnh, người sáng lập chùa Bảo Quang đã “di ngôn” lại rằng cháu ông, Thượng Tọa Thích Phước Hậu (tức Ðại Ðức Thích Nguyên Thông) từ Việt Nam sang Mỹ theo visa du lịch vào Tháng Năm, 2019, sẽ làm trụ trì, ông Lộc Bạch và bà Christie Bạch sẽ tiếp tục ở trong HĐQT.

Tuy nhiên, sau lễ cúng 100 ngày mất của Hòa Thượng Thích Quảng Thanh vào Tháng Chín, 2019, sự mâu thuẫn giữa vị tân trụ trì và HĐQT bùng phát liên quan đến việc “ai có quyền đối với các quyết định của ngôi chùa,” đặc biệt là nổi lên dư luận “các thành viên HĐQT muốn cướp chùa,” kéo theo phản ứng của nhiều Phật tử đứng về cả hai phía.

Đỉnh điểm là vào ngày Thứ Ba, 26 Tháng Mười Một, ông Lộc Bạch, chủ tịch HĐQT, đến chùa với mục đích kiểm tra tài sản theo thông báo đã được đưa ra trước đó 5 ngày. Tuy nhiên, tân trụ trì đã không có mặt để mở cửa những nơi cần thiết, đồng thời một số Phật tử đã lên tiếng chống đối, cũng như hô to những câu “Đả đảo cướp chùa.” (Xem thêm ở đây)

Mời quý vị theo dõi nội dung cuộc phỏng vấn của phóng viên Người Việt và Luật Sư Trương Phú Hòa

***

Người Việt: Kính thưa luật sư, liên quan đến những vấn đề đang diễn ra tại chùa Bảo Quang ở Santa Ana thu hút sự quan tâm của rất nhiều độc giả, xin luật sư giải thích thêm về ý nghĩa của một tổ chức hoạt động theo quy chế bất vụ lợi, cụ thể ở đây là chùa Bảo Quang, là như thế nào?

Luật Sư Trương Phú Hòa: Tiểu bang California có nguyên bộ luật nói về cách thức hoạt động của các công ty trong tiểu bang. Bộ luật đó chia ra làm 2 loại công ty. Một loại là công ty “for profit organizations,” tức là công ty hoạt động để sinh lợi tức cho các người chủ trương. Một loại là “non-profit organizations,” tức là công ty hoạt động không để kiếm lợi. Luật chi phối cho hai loại công ty này hoàn toàn khác nhau.

Công ty “for profit organizations” có mục đích lợi nhuận, có chủ nhân rõ ràng, có thể là cá nhân, hoặc một công ty khác, có thể là chủ nhân của công ty xin phép tiểu bang được thành lập.

Trong khi đó, công ty “non-profit organizations” thì hoàn toàn khác những công ty thương mại. Với những công ty này, chính phủ cho phép hoạt động là để khuếch trương các hoạt động vô vụ lợi, những người được hưởng lợi là dân chúng tiểu bang. Thành ra  tiểu bang California có những quy luật đặc biệt đòi hỏi những công ty “non-profit organizations hay corporations” phải thi hành đúng.

Để một công ty được hoạt động trong tiểu bang California thì khởi đầu họ phải xin một giấy phép hoạt động, giấy phép đó được gọi là “articles of incorporation.”

 Giấy phép hoạt động “articles of incorporation” của chùa Bảo Quang do tiểu bang California cấp Tháng Ba, 1990. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Với chùa Bảo Quang, thì giấy phép này được nộp và được cho phép hoạt động từ Tháng Ba, 1990. Trong giấy phép này, ở điều khoản số II có nói rõ ràng là “để phát huy tín ngưỡng Phật Giáo.”

Riêng điều khoản thứ IV của giấy phép có nói rõ là công hội “non profit corporation” này cũng xin được miễn thuế với IRS tức Sở Quan Thuế Liên Bang, theo điều khoản 501©(3).

Xin quý vị hiểu rõ là giấy cho phép hoạt động “articles of incorporation” chỉ có hiệu lực giữa công hội này với người xin giấy phép, không dính dáng đến vấn đề thuế. Cho nên một công ty hay một nhóm người hoạt động dưới hình thức” non-profit organization” không có nghĩa là không phải đóng thuế.

Nếu họ muốn không phải đóng thuế thì họ phải xin giấy phép của sở thuế liên bang. Theo điều khoản của sở thuế, các tổ chức “non-profit organizations” hay nhóm người hoạt động dưới hình thức vô vụ lợi mà có lợi tức trên $25,000/năm thì phải nộp một mẫu đơn 990 cho sở thuế biết tình hình tài chánh của công ty. Đó là điều bắt buộc phải làm.

Người Việt:Thưa luật sư, với một cơ sở “non-profit corporation” như chùa Bảo Quang thì quyền sở hữu tài sản thuộc về ai?

Luật Sư Trương Phú Hòa: “Non-profit organization hay corporation” là để phát huy những quyền lợi cho công chúng. Thế nên khi một người đã đăng ký xin giấy phép dưới hình thức vô vụ lợi “non-profit organization” thì không ai là chủ của tài sản đó, tài sản đó là của công chúng, đặt dưới sự kiểm tra của tiểu bang. Khi một công ty hay một nhóm người đăng ký hoạt động dưới hình thức vô vụ lợi mà không tiếp tục hoạt động dưới giấy phép của tiểu bang nữa thì những tài sản đó phải được tiểu bang theo luật lệ đem trao cho những công ty vô vụ lợi khác chứ không được cho cá nhân hay một người riêng biệt nào.

 


Giấy xác nhận chủ quyền (Corporation Grant Deed) của chùa Bảo Quang là “Vietnamese-American Center for Buddhism and Charitable Services – Bao Quang.” (Hình: Luyến Phạm cung cấp)

Người Việt: Như vậy, với một công ty hoạt động bất vụ lợi thì những người điều hành, những thành viên HĐQT có quyền mang tài sản đó đi cho hay đi bán để họ được hưởng lợi hay không?

Luật Sư Trương Phú Hòa: Khi nhận trách nhiệm điều hành công ty vô vụ lợi thì thành viên HĐQT phải giữ uy tín là bảo tồn tài sản của công ty vô vụ lợi này cho quần chúng chứ không được cho riêng một cá nhân hay một nhóm người nào có liên đới quyền lợi.

Như với chùa Bảo Quang, giấy phép mà tiểu bang cấp cho hoạt động là để phát huy tinh thần Phật Giáo thì tất cả những gì họ nhận vào như tiền, tài sản hay bất cứ thứ gì cũng đều nhằm mục đích phát huy tôn giáo, không được sử dụng cho mục đích cá nhân hay riêng tư nào hết.

Người Việt: Như vậy, với một ngôi chùa hoạt động theo quy chế bất vụ lợi, mà vị trụ trì khi mất đi lại di ngôn lại cho một người nào đó quyền được trụ trì ngôi chùa, thì điều đó có được xem là hợp pháp không?

Luật Sư Trương Phú Hòa: Trụ trì không có quyền để lại di chúc (will), vì đó là quyền cá nhân của một người để phân chia tài sản. Hơn nữa, tài sản của một tổ chức bất vụ lợi không thuộc về bất cứ một cá nhân hay công ty nào khác, mà nó thuộc về quần chúng và tiểu bang dùng để phát huy tinh thần của “article of incorporation.”

Thế nên khi một vị trụ trì mất đi mà nói ‘tôi để cái này lại cho người này, cho người kia’ là vị đó đã vi phạm Điều Lệ, tức “By Law,” vì luật của tiểu bang không cho tẩu tán hay phân chia tài sản của “non-profit organizations.” Nếu vị trụ trì có tài sản riêng thì ông ấy có quyền chia riêng theo di chúc, nhưng chùa thuộc về tổ chức bất vụ lợi thì không có quyền đụng đến vì đó là tài sản của quần chúng.

Người Việt: Xin luật sư giải thích “By Law” có ý nghĩa như thế nào đối với một công ty, cụ thể ở đây là một ngôi chùa?

Luật Sư Trương Phú Hòa: “By Law” (Điều Lệ), giống như một khế ước mà những người thành lập công ty xem như quy luật của công ty. “By law” đó cũng như một hình thức mình hứa với tiểu bang khi mình được giấy phép hoạt động thì mình sẽ thi hành đúng luật pháp đòi hỏi, để tiểu bang duy trì giấy phép hoạt động “non-profit corporation” cho công ty.

 “By Law” của chùa Bảo Quang. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Nếu không thi hành đúng “By Law” thì tiểu bang có quyền rút giấy phép không cho hoạt động.

Tôi xin nói rõ hơn là “By Law” của một công ty bất vụ lợi khác với “By Law” của một công ty hoạt động vì lợi tức.



 Những người nhận trách nhiệm thi hành “By law” của công ty bất vụ lợi phải có nhiệm vụ và trách nhiệm bảo tồn tài sản và những gì trực thuộc công ty đó. Nếu giờ đây họ phung phí, mang tài sản cho cá nhân hay làm không đúng theo quy định là phát huy tinh thần của “article of incorporation” thì đó là vi phạm nặng nề trách nhiệm đối với tiểu bang, kể cả đối với quần chúng mà họ đã được giao.

Một số Phật tử (trái) ngăn không cho ông Lộc Bạch (phải)
, chủ tịch HĐQT chùa Bảo Quang kiểm tra tài sàn của chùa. 
(Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Người Việt: Xin luật sư cho biết khi HĐQT của một tổ chức bất vụ lợi bị các thành viên phản đối hay tranh chấp thì biện pháp giải quyết là như thế nào?

Luật Sư Trương Phú Hòa: Board of Directors, tức HĐQT, được thành lập là do sự bầu bán của quần chúng, vì đây là công ty của quần chúng. Cho nên nếu HĐQT không thi hành đúng luật của tiểu bang về bầu bán thì HĐQT đó cũng đã gián tiếp vi phạm luật.

HĐQT là người nắm quyền trong công ty vô vụ lợi mà làm những điều sai thì quần chúng có quyền đòi hỏi bầu bán lại, vì quần chúng là chủ nhân của tổ chức bất vụ lợi này.

Người Việt: Như vậy, những người trong HĐQT của chùa Bảo Quang mà không qua bầu bán, thì họ có quyền hạn tiếp tục đối với vai trò quản trị ngôi chùa đó không?

Luật Sư Trương Phú Hòa: Hiện tại những người trong HĐQT không phải là bất hợp pháp “illegal” mà chỉ là quá hạn bầu bán. Bởi vì theo “By Law,” khế ước của chùa, thì mỗi hai năm họ phải tổ chức bầu lại, nhưng những người này không tổ chức bầu thành ra họ chỉ vi phạm nội quy, chứ không có nghĩa là họ là “illegal” trái luật.

Người Việt: Như vậy ai sẽ là người đứng ra tổ chức bầu lại HĐQT mới?

Luật Sư Trương Phú Hòa: HĐQT hiện tại phải là người đứng ra tổ chức việc bầu bán lại. Họ phải làm theo đúng những gì “By Law” nêu ra. Không thể nào có chuyện một nhóm người tự động đứng ra bầu bán một ban điều hành mới rồi gửi danh sách lên cho tiểu bang, điều đó là không hợp pháp.

Xin nhắc lại là HĐQT hiệu hữu mặc dù không làm theo đúng nội quy “By Law” nhưng họ vẫn là người có quyền hành, và quyền hành của họ là phải thi hành đúng nội quy. Việc tổ chức bầu lại HĐQT theo khế ước “By Law” là để làm giảm trách nhiệm của họ chứ không là họ lại tiếp tục vi phạm nội quy nữa.

Người Việt: Thưa luật sư, liên quan đến việc HĐQT của chùa Bảo Quang muốn kiểm tra tài sản của chùa nhưng vị trụ trì không hợp tác, không mở cửa, thì sự việc này đúng sai như thế nào?

Luật Sư Trương Phú Hòa: Trước tiên HĐQT phải làm đúng thủ tục tức là ra thông báo cho tất cả mọi người biết lý do vì sao họ muốn kiểm tra, ví dụ như vì thấy có dấu hiệu mất mát, phải có ngày giờ, có thời gian tính… chứ không phải tự dưng muốn kiểm tra là kiểm tra.

Về phần vị trụ trì không đồng ý mở cửa để cho HĐQT kiểm tra tài sản là người trụ trì sai. Trụ trì không có quyền cấm HĐQT làm chuyện đó, vì HĐQT có quyền cao hơn ông trụ trì. Về mặt pháp lý giấy tờ, HĐQT vẫn là người chịu trách nhiệm về việc bảo quản tài sản của ngôi chùa.

Người Việt: Cám ơn luật sư đã dành cho Người Việt cuộc phỏng vấn này. (Ngọc Lan)

—-
Liên lạc tác giả: ngoclan@nguoi-viet.com

Chùa Bảo Quang Santa Ana và những vấn đề liên quan đến "Non Profit Organization"

Chùa Bảo Quang náo động: Trụ trì Thích Phước Hậu lần đầu lên tiếng vì ‘tức nước vỡ bờ’

Ngọc Lan/Người Việt

Luật Sư Trương Phú Hòa: HĐQT chùa Bảo Quang vi phạm ‘By Law’ nhưng vẫn hợp pháp
HĐQT Chùa Bảo Quang muốn kiểm kê tài sản, một số Phật tử ngăn cản
Kỳ 1: Ai thực sự là chủ chùa Bảo Quang?
Kỳ 2: Thượng Tọa Thích Phước Hậu là ai?
Kỳ cuối: ‘Chùa có yên thì Phật tử mới tới’

SANTA ANA, California (NV) – “Xin lỗi đây là cuộc họp do Hội Đồng Quản Trị (HĐQT) tổ chức…” – “Chúng tôi xin hỏi HĐQT đến đây với tư cách gì?” – “Đồ chó giữ nhà” – “Thầy Nhuận Hùng đi ra khỏi chùa! Get out!” – “Tức nước phải vỡ bờ, hôm nay chúng tôi phải nói sự thật” – “Thầy không xứng đáng là một vị thầy tu”…

Tiếng la lối. Tiếng cự cãi. Tiếng gào thét. Những ngón tay được đưa lên xỉa xói vào mặt người khác, cả vào mặt những vị đang mặc áo cà sa, cả những lời thách thức đánh nhau, là những gì đã xảy ra ngay trong chánh điện của chùa Bảo Quang, Santa Ana, một trong những ngôi chùa lớn nhất, nổi tiếng nhất ở Orange County vào sáng Thứ Năm, 12 Tháng Mười Hai, 2019.

Trong thời gian qua, sự xung đột giữa những thành viên trong HĐQT chùa Bảo Quang cùng tân trụ trì và một số Phật tử diễn ra càng lúc càng gay cấn, liên quan đến quyền điều hành hợp pháp ngôi chùa do cố Hòa Thượng Thích Quảng Thanh xây dựng từ năm 2002.

Sau khi HĐQT bất lực trong việc muốn kiểm tra tài sản của chùa vào ngày 21 Tháng Mười Một do gặp phải sự chống đối của một số Phật tử, HĐQT lại ra thông báo tổ chức cuộc họp khác vào lúc 11 giờ sáng Thứ Năm, 12 Tháng Mười Hai, với mục đích “minh bạch hóa toàn bộ thông tin tài chánh, tài sản, ban điều hành hợp pháp theo luật pháp hiện hành của chùa Bảo Quang.”

Tuy nhiên, cuộc họp này, thêm một lần nữa, bất thành.

Đại náo chánh điện 

Theo dự kiến ban đầu của HĐQT, cuộc họp báo được tổ chức bên ngoài chánh điện, với một số ghế đã được sắp đặt sẵn.

Tuy nhiên, ngay khi cuộc họp chuẩn bị bắt đầu, Thượng Tọa Thích Phước Hậu, trụ trì chùa, yêu cầu họp ngay trong chánh điện.

 Thượng Tọa Thích Phước Hậu, trụ trì chùa Bảo Quang, lên tiếng giải thích những điều mà ông cho rằng “tức nước vỡ bờ.” (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Hai chiếc bàn được đặt lên phía trên, như chia sẵn hai phe đối lập.

Một bên có ông Lộc Bạch, đại diện HĐQT, ông Luyến Phạm, Phật tử, phát ngôn viên của HĐQT do các thành viên HĐQT không nói rành tiếng Việt, Thượng Tọa Thích Nhuận Hùng, người được xem đã cùng cố Hòa Thượng Thích Quảng Thanh bỏ nhiều công sức trong nhiều năm để xây dựng nên ngôi chùa, và Thượng Tọa Thích Huệ Minh, trị sự của chùa (theo di ngôn của vị sáng lập chùa Bảo Quang).

Phía bên kia có Thượng Tọa Thích Phước Hậu, tân trụ trì chùa Bảo Quang; Thượng Tọa Thích Tuệ Đạt hiện đang sống tại chùa Bảo Quang; ông Tony Bùi, một Phật tử, và một vị luật sư đại diện cho phía trụ trì.

Rất đông Phật tử cũng có mặt theo dõi cuộc họp.

Ông Luyến Phạm, đại diện HĐQT, mở đầu cuộc họp giới thiệu sự có mặt của hai vị Thượng Tọa Thích Nhuận Hùng và Thích Huệ Minh, hiện cả hai đều không sống trong chùa Bảo Quang.

Ông Luyến nhắc lại hai điều có trong “di ngôn” của cố Hòa Thượng Thích Quảng Thanh, đó là việc Thượng Tọa Phước Hậu sẽ giữ vai trò trụ trì, và việc Thượng Tọa Huệ Minh sẽ là trị sự của chùa.

Khi ông Luyến đang nêu ra vài câu hỏi với vị trụ trì hiện tại để xác định lý do vì sao vị trị sự không tiếp tục ở trong chùa trong khoảng hai tháng qua, cũng như trong khi Thượng Tọa Thích Huệ Minh đang trình bày lý do vì sao ông đến sống tại chùa Bảo Quang, thì ông Tony Bùi bắt đầu cắt ngang bằng cách nêu vấn đề về tính hợp pháp của các thành viên HĐQT.

“Chùa đang đi sai pháp luật, HĐQT vi phạm ‘By Law,’ cho nên hôm nay chúng tôi xin hỏi HĐQT đến đây với tư cách gì? Quý vị cho chúng tôi biết quý vị vi phạm điều khoản nào trong ‘By Law’ để chúng tôi hợp sức cùng tất cả Phật tử cùng chấn chỉnh lại,” ông Tony lên tiếng.

 

Một người phụ nữ (phải) chỉ vào cả Thượng Tọa Thích Nhuận Hùng 
lẫn Thượng Tọa Thích Huệ Minh nói bằng giọng run run xúc động, 
“Những tên này sẽ bị đọa hết! Gian dối!” (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Ông tiếp tục nói lớn, “Xin quý vị cho biết HĐQT bao gồm những ai? Mấy người?” trong khi phía ông Luyến, và ông Lộc lên tiếng nhắc “Ông Tony, HĐQT đang nói! Ông Tony, đề nghị ông yên lặng, đây là cuộc họp do HĐQT tổ chức…”

Tuy nhiên, bất chấp lời lên tiếng của HĐQT, ông Tony tiếp tục mời ông luật sư giải thích về nội dung của “By Law.”

Ông luật sư cho biết ông “đã làm cố vấn cho ngôi chùa này từ hơn 10 năm, và theo điều lệ của chùa thì từ nhiều năm qua, HĐQT đã không tổ chức bầu cử…”

Trong tiếng la ó phản đối của Phật tử đứng về cả hai phía, ông Tony nói thêm rằng “luật sư đã có bằng chứng cho thấy ông Lộc đã chuyển tài khoản của chùa vào tài khoản cá nhân ông Lộc.”

“Nếu quý vị không chứng minh được quý vị là HĐQT thì chúng tôi sẽ mời cảnh sát đến để mời quý vị ra khỏi chùa,” ông Tony nói tiếp trên micro trong lúc không khí trong chùa càng lúc càng ồn ào.

Cũng thời điểm đó, ông Lộc, trong vai trò là chủ tịch HĐQT về mặt pháp lý, yêu cầu ông Tony ra khỏi phòng họp cũng như gọi nhân viên bảo vệ đến mời ông Tony ra. Nhưng các nhân viên bảo vệ người bản xứ không hiểu tiếng Việt, cũng tỏ ra lúng túng trước sự to tiếng của một số Phật tử, cũng như bất ngờ trước những hành động chỉ tay vô mặt họ để cự cãi của một vài người Việt có mặt.

Không khí trong chánh điện mỗi lúc một náo động hơn khi một người nào đó đã rút dây điện cắt tiếng trên microphone mà ông Tony đang nói.

Kể từ lúc đó, tình hình gần như trở nên hỗn loạn khi HĐQT không thể tiếp tục cuộc họp, các Phật tử hai bên tranh cãi nhau, tiếng của những Phật tử “cướp diễn đàn” nói ra rả trên micro.

Một người phụ nữ tỏ ra giận dữ, chỉ tay vào Thượng Tọa Thích Huệ Minh nói, “Thầy không xứng đáng là một vị tu, thầy suy nghĩ đi.”

Một người phụ nữ khác nữa thì chỉ tay vào cả Thượng Tọa Thích Nhuận Hùng lẫn Thích Huệ Minh nói bằng giọng run run xúc động, “Những tên này sẽ bị đọa hết! Gian dối!”

 Cảnh sát Santa Ana (trái) trao đổi với các thành viên Hội Đồng Quản Trị của chùa Bảo Quang. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Một số Phật tử khác tỏ thái độ bất bình trước hành động và lời nói của những người phụ nữ này. Trong khi đó, hai vị thượng tọa chỉ ngồi yên, và niệm “Nam mô a di đà Phật.”

Cảnh sát Santa Ana được gọi đến. Tuy nhiên, cảnh sát cho biết họ chỉ làm nhiệm vụ giữ cho chùa được bình yên, không xảy ra xô xát, và họ không có quyền bắt bên nào yên lặng vì đây là nơi tự do ngôn luận, cũng như không mời bất kỳ ai ra khỏi chùa nếu như không có xô xát, phá hoại chùa, vì chùa là tổ chức bất vụ lợi và ai cũng có quyền đến cầu nguyện. 

HĐQT: ‘By Law’ mà ông Tony Bùi thường nói là không có thật 

Trả lời phỏng vấn nhật báo Người Việt về những gì đang diễn ra cũng như nội dung của “By Law” mà ông Tony cho biết, cô Christie Bạch, một thành viên của HĐQT chùa Bảo Quang, nói rằng, “Chúng tôi không thể nào hoàn thành được cuộc họp khi nó cứ liên tục bị phá như thế này. Thật sự chưa bao giờ chúng tôi nhìn thấy cái ‘By Law’ mà họ đưa ra trong thời gian qua. Vì theo giấy tờ họ đưa ra thì thầy Hùng đã có tên trong ‘board of directors’ từ năm 1990, trong khi thầy Hùng sang Mỹ năm 1991.”

Trong khi đó, ông Lộc Bạch cho rằng, “Tôi tham gia HĐQT từ năm 2001. Theo quy chế của non-profit thì mỗi năm ít nhất có một lần các thành viên HĐQT gặp lại để nói chuyện. Tôi, thầy Quảng Thanh và Christie Bạch mỗi đầu năm đều gặp nhau để nói chuyện xem trong năm đó chùa Bảo Quang sẽ làm gì.”

“Trong 18 năm qua chưa bao giờ xảy ra tình trạng này. Tôi cũng muốn nêu lên một câu hỏi hỏi là họ nói rằng chúng tôi không theo ‘By Law’ của chùa, vậy sao từ lúc thầy Quảng Thanh còn sống ở đây sao không bao giờ họ nói gì hết,” ông Lộc cố gắng diễn đạt những gì muốn nói bằng tiếng Việt.

Với câu hỏi của Người Việt, “Theo quý vị, lý do xảy ra tình trạng này vào lúc này là gì? Mấu chốt của vấn đề là từ đâu?” ông Luyến trả lời một cách ngắn gọn, “Mấu chốt của vấn đề là có một số người muốn vào ‘board or directors’ để quản lý chùa.”

“Mục đích chúng tôi muốn họp ngày hôm nay là để nói tờ giấy ‘By Law’ mà ông Tony Bùi thường nói là không có thật,” ông Luyến nói trước mọi người.

 Cuộc họp diễn ra vào trưa Thứ Năm, 12 Tháng Mười Hai, 2019, do Hội Đồng Quản Trị chùa Bảo Quang tổ chức đã trở nên hỗn loạn vì bị một số Phật tử chống đối. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Trụ trì Thích Phước Hậu lần đầu lên tiếng vì “tức nước vỡ bờ” 

Khoảng hơn 40 phút sau khi khung cảnh hỗn loạn trong chánh điện diễn ra, thì vị trụ trì, sau khi ngồi nhắm mắt như đang thiền, đã mang ra một số giấy tờ và lên tiếng.“Chúng tôi là người từ Việt Nam mới sang, không biết ‘receipt’ là cái gì, chỉ biết biên lai thôi, thì giấy tờ tôi có đầy đủ. Chúng tôi người tu hành, không biện bạch, chúng tôi nói gì cũng có bằng chứng. Giờ mời chú Lộc Bạch qua để chúng tôi giao giấy tờ,” Thượng Tọa Thích Phước Hậu bắt đầu.

Khi ông Luyến cho rằng “ngày hôm nay chưa tiến hành bàn giao được” thì thầy trụ trì trả lời thẳng thắn, “Không, hôm nay tôi muốn giao giấy tờ rõ ràng để mọi người làm chứng. Còn không nhận hôm nay thì bữa sau tôi sẽ không làm theo yêu cầu của quý vị.”

Trong khi vị trụ trì bày giấy tờ ra bàn, và đang cố gắng trình bày chi tiết việc thu chi trước mặt báo chí thì ông Tony Bùi lại ngồi phía trong chánh điện dùng micro cất giọng át tiếng vị trụ trì để yêu cầu HĐQT đi ra khỏi chùa. Đồng thời, một số Phật tử lại tự thu gom giấy tờ Thượng Tọa Phước Hậu bày ra để cất vào túi nylon kèm theo những câu nói, “Coi chừng sa bẫy tụi nó.”

Tuy vậy, Thượng Tọa Thích Phước Hậu vẫn tiếp tục, sau khi nhờ người yêu cầu ông Tony im lặng. Ông nói, “Chúng tôi là người tu hành lâu nay oan ức không bày tỏ, hôm nay chúng tôi muốn mọi sự đâu vào đó cho rõ ràng. Tức nước phải vỡ bờ. Hôm nay chúng tôi phải nói sự thật, tôi xin tất cả báo đài phải viết rõ, chúng tôi là người xuất gia, lo cho Phật sự, gia đình bên chú Na, tức Lộc Bạch, kêu đưa ‘receipt’ tôi không biết ‘receipt,’ tôi chỉ biết biên lai, kêu đưa biên lai thì tôi biết, tôi đưa biên lai từ việc lớn tới việc nhỏ, tất cả tôi đều đưa cho gia đình cô Thương (mẹ của Lộc).”

Trong phần trình bày của mình, vị trụ trì cho rằng, “Tôi chi tiền ai kêu chi gì ông chi nấy, bà Thương không đưa tiền, rồi giờ họ nói tôi đưa ‘receipt.’ Vậy là họ đã tính toán gài gì tôi đây?”

Ông cũng cho biết số tiền $200,000 ông từng nhận theo lời cố Hòa Thượng Thích Quảng Thanh, trong đó yêu cầu gửi về Việt Nam $100,000 nhưng ông chỉ gửi $50,000 (có giấy tờ ghi lại gửi cho ai), vì “tôi thấy đám tang này tốn rất nhiều tiền cho nên tôi không gửi hết số tiền đó.”

“Hổm rày chúng tôi gửi gắm nhiều người nhắn chuyển dùm chú Na số giấy tờ này mà không ai nhận hết, vậy là có mục đích gì?,” vị trụ trì nêu câu hỏi.

Ông nhắc lại, “Chúng tôi muốn chú Na nhận toàn bộ giấy tờ này có ghi thu chi rõ ràng. Còn không nhận hôm nay thì bữa sau tôi sẽ không làm theo yêu cầu của quý vị.”

Cũng trong cuộc nói chuyện này, Thượng Tọa Thích Phước Hậu cho biết, “Trong thời gian qua, cô Thương, Na (Lộc) và Đại (con rể bà Thương) nói gì với tôi, tôi đều có ghi âm lại, trên 300 cuộc, hăm dọa tôi thế nào tôi đều có bằng chứng. Tôi là người đi tu, không biện bạch, không quanh co. Có vấn đề tôi sống để bụng, chết mang theo. Ơn nghĩa của cô nhà bếp giúp chú tôi từ bao năm qua, tôi nghĩ ơn đó mà im lặng trước những cuộc gọi đó. Thầy Quảng Thanh có đưa cho tôi những bộ hồ sơ đầy đủ về pháp lý của chùa này. Nếu ai muốn tốt cho chùa Bảo Quang thì đóng góp xây dựng cho chùa ngày tốt đẹp hơn. Chúng ta nên có một sự sáng suốt nhận biết đúng sai, đừng nghe những gì báo chí nói.” (Ngọc Lan)—-
Liên lạc tác giả: ngoclan@nguoi-viet.com

Nga nói đã rút chút ít quân , Ukraine và NATO muốn có bằng chứng.

  

Tin Ukraine. Feb 15-2022. Ngày hôm nay, thứ Ba. Nga cho biết một số binh sĩ của họ đã trở về căn cứ sau các cuộc tập trận gần Ukraine và chế nhạo những cảnh báo của phương Tây về một cuộc xâm lược sắp xảy ra, nhưng NATO cho biết họ vẫn chưa thấy bất kỳ bằng chứng nào về việc giảm leo thang có thể ngăn chặn xung đột quân sự.
Nga không cho biết có bao nhiêu đơn vị được rút đi, và bao xa, sau khi tăng cường khoảng 130.000 quân Nga ở phía bắc, đông và nam Ukraine đã gây ra một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong quan hệ với phương Tây kể từ sau thời kỳ lạnh .
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết sau cuộc gặp với Tổng thống Vladimir Putin tại Điện Kremlin rằng việc rút một số binh sĩ Nga là một dấu hiệu tốt.
Những người khác đã thận trọng hơn. Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết "thông tin tình báo mà chúng ta đang thấy ngày nay vẫn không đáng khích lệ" và Ukraine cho biết cần phải nhìn thấy sự chứng minh về một báo cáo để được tin tưởng.
Interfax Ukraine dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba cho biết: "Nếu chúng tôi thấy một sự rút lui, chúng tôi sẽ tin tưởng vào một sự giảm leo thang".
Người đứng đầu NATO trong hai ngày qua hoan nghênh các tín hiệu từ Nga rằng nước này có thể đang tìm kiếm một giải pháp ngoại giao nhưng kêu gọi Moscow thể hiện bằng hành động.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với các phóng viên: "Có những dấu hiệu từ Moscow về ngoại giao. Điều này tạo cơ sở cho sự lạc quan thận trọng. Nhưng cho đến nay chúng tôi chưa thấy bất kỳ dấu hiệu giảm leo thang nào từ phía Nga".

Ông Tám Đoàn 1/SLL
 
 
Khủng hoảng Ukraina : Nga khẳng định bắt đầu rút quân
 
Xe tăng Nga trong cuộc tập trận tại vùng Lenigrad. Ảnh do bộ Quốc Phòng Nga công bố ngày 14/02/2022. AP

Minh Anh

Phủ tổng thống Nga hôm nay, 15/02/2022, xác nhận bắt đầu rút bớt quân trú đóng gần biên giới với Ukraina. Điện Kremlin khẳng định đây là một « tiến trình bình thường », đồng thời tố cáo « chứng cuồng loạn » của phương Tây về khả năng sắp xảy ra một cuộc xâm lược Ukraina từ Nga. 

Trước giới báo chí, phát ngôn viên phủ tổng thống, Dmitri Peskov tuyên bố : « Chúng tôi đã nói với quý vị rằng sau khi hoàn tất các cuộc tập trận, các đạo quân sẽ trở về doanh trại của mình. Đây chính là những gì đang diễn ra, đó là một tiến trình bình thường. » 

Theo ông, Matxcơva trong sắp tới sẽ còn tổ chức « nhiều cuộc tập trận khác trên toàn nước Nga » bởi vì « đây là quyền của chúng tôi tổ chức các cuộc tập trận trên lãnh thổ của chúng tôi, ở bất cứ nơi nào chúng tôi đánh giá là thích hợp ».  

Trước những cảnh báo từ phương Tây và nhất là từ Mỹ, cho rằng chiến dịch xâm lược Ukraina sắp xảy ra, ông Peskov lên án một « chiến dịch tuyệt đối chưa từng có nhằm gây ra những căng thẳng ». « Đây chính là một kiểu cuồng loạn không dựa trên một điều gì cả », phát ngôn viên điện Kremlin khẳng định. 

AFP cho rằng, việc Nga ra lệnh cho rút các đội quân được triển khai gần biên giới với Ukraina về doanh trại là một dấu hiệu hạ nhiệt đầu tiên. Sự hiện diện của những đội quân này làm dấy lên mối lo sợ từ nhiều tuần qua khả năng xảy ra một cuộc tấn công chống Ukraina, trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây. 

Hôm qua, chính quyền Matxcơva còn cho phát đi hình ảnh được dàn dựng về cuộc trao đổi giữa tổng thống Nga Vladimir Putin với các bộ trưởng Ngoại Giao Serguei Lavrov và Quốc Phòng là ông Serguei Choigu. Ngoại trưởng Nga cho rằng « vẫn luôn có một cơ hội » để đạt được thỏa hiệp. Ông khẳng định nước Nga còn rất nhiều khả năng hành động, nhưng đồng thời đề nghị các bên « tiếp tục và mở rộng đối thoại ».

Khủng hoảng Ukraina : Mỹ chuyển sứ quán từ Kiev về Lviv
 
Đại sứ quán Mỹ tại Kiev, Ukraina. Ảnh chụp ngày 12/02/2022. REUTERS - VALENTYN OGIRENKO

Phan Minh

Do Nga tiếp tục điều động binh lính một cách ồ ạt ra biên giới chung với Ukraina, hôm qua 14/02/2022 ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thông báo đã quyết định dời đại sứ quán Hoa Kỳ từ thủ đô Kiev về thành phố Lviv ở phía tây Ukraina, gần với biên giới Ba Lan.

Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin tường trình :

Không còn nhiều người tại đại sứ quán Mỹ ở Kiev kể từ khi bộ Ngoại Giao thông báo ngừng các dịch vụ lãnh sự. Kể từ nay, toàn bộ tòa nhà bị đóng cửa và lá cờ Mỹ đã biến mất. Do vậy, một số ít các nhà ngoại giao còn lại đã phải di dời về Lviv, ở phía tây của Ukraina, gần biên giới với Ba Lan. Đó là vì Nga tăng cường điều động binh lính tới biên giới chung với Ukraina và cả trên lãnh thổ Belarus, gần thủ đô Kiev.

Trong một thông cáo, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken giải thích rằng chính quyền chủ yếu quan tâm đến sự an toàn của các nhân viên, và việc dời tới Lviv chỉ là tạm thời và khi tình hình cho phép thì có thể quay lại Kiev. Một lần nữa, ngoại trưởng Blinken lại tha thiết kêu gọi mọi công dân Mỹ nào còn ở Ukraina hãy rời khỏi đây ngay lập tức. Chính quyền Mỹ giải thích rằng một cuộc xâm lược của Nga vào Ukraina có thể xảy ra ngay trong tuần này, mặc dù Lầu Năm Góc không biết liệu tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra quyết định hay chưa.

Về phần mình, tổng thống Ukraina Volodymir Zelensky cho rằng việc các nước đóng cửa đại sứ quán ở Kiev là một sai lầm vì đối với ông, không có tây Ukraina, mà chỉ có một nước Ukraina.

Khủng hoảng Ukraina : Trước thượng đỉnh Scholz-Putin, Đức tỏ rõ lập trường cứng rắn hơn với Nga
 
Tổng thống Nga Vladimir Putin (T) và thủ tướng Đức Olaf Scholz hội đàm tại điện Kremlin, Matxcơva, Nga, ngày 15/02/2022. AP - Mikhail Klimentyev

Trọng Nghĩa

Vào đúng ngày thủ tướng Đức Olaf Scholz đến Matxcơva để “hòa đàm” với tổng thống Nga Vladimir Putin, Matxcơva đã chính thức loan báo việc bắt đầu rút bớt quân đội ra khỏi vùng giáp giới với Ukraina.

Dù Điện Kremlin vẫn khẳng định đây chỉ là diễn biến của một “tiến trình bình thường”, nhưng giới quan sát đã gắn liền động thái này với lập trường cứng rắn rõ rệt của Berlin đối với Matxcơva trên vấn đề Ukraina, đặc biệt là sự thay đổi thái độ thường bị gán là thân Nga của đảng Dân Chủ Xã Hội Đức SPD, đảng của chính thủ tướng Scholz. 

Kể từ khi từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng với Ukraina, chính phủ Đức thường xuyên bị hoài nghi là thiếu quyết đoán trước các đe dọa xâm lược Ukraina của Nga, vốn bị cả phương Tây lên án. Thái độ gọi là “khoan dung” này của Berlin bị cho là xuất phát từ việc đảng Dân Chủ Xã Hội Đức - đảng chủ chốt trong liên minh đang cầm quyền - luôn bị cáo buộc là thân Nga.  

Chính trong bối cảnh đó mà thủ tướng Olaf Scholz đã phải liên tiếp chứng tỏ rằng nước Đức không hề quỵ lụy trước áp lực của Nga và luôn luôn sát cánh cùng các đồng minh trên vấn đề Ukraina.  

Động thái gần đây nhất chính là tuyên bố cứng rắn của ông Scholz tại Kiev một hôm trước ngày đến Matxcơva. Thủ tướng Đức đã cảnh cáo rằng Nga sẽ bị những biện pháp trừng phạt kinh tế thật nặng nề nếu tấn công Ukraina. Sức ép của thủ tướng Đức được cho là rất có trọng lượng đối với Nga vì lẽ Berlin là đối tác thương mại số một của Matxcơva ở châu Âu và là khách hàng khí đốt lớn nhất của Nga.  

Ngoài áp lực đến từ đương kim chính phủ Đức, Nga còn bị áp lực từ chính đảng SPD đang cầm quyền tại Đức, với một sự kiện hiếm hoi là chính tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier, một nhân vật rất uy tín trong đảng, vừa tái đắc cử hôm 13/02 cho một nhiệm kỳ mới, đã không ngần ngại lên tiếng kêu gọi đồng nhiệm Nga Putin lui binh. 

Theo ghi nhận của nhật báo Pháp Le Monde ngày 14/02, trong diễn văn nhậm chức của mình, ngoài những lời cảm ơn thông thường, ông Steinmeier đã kêu gọi tổng thống Nga là hãy “nới lỏng giây thòng lọng khỏi cổ Ukraina” để cùng với Đức “tìm ra cách để gìn giữ hòa bình ở châu Âu”. Tổng thống Đức còn nói thêm: “Nếu chẳng may nổ ra một cuộc chiến tranh ở Đông Âu, Nga phải chịu trách nhiệm”. 

Đối với Le Monde rất hiếm khi một tổng thống Đức, với vai trò chủ yếu là danh dự - lại can dự vào chính sách đối ngoại của đất nước, thậm chí, ông còn công khai thách thức một nguyên thủ quốc gia khác. 
Việc ông lên tiếng chứng tỏ quyết tâm của Berlin trong việc gây sức ép trên Matxcơva, một sức ép càng hiệu quả hơn khi bản thân ông Steinmeier lại là một người từ lâu đã được xếp vào nhóm “Russlandversteher” (“những người thông cảm với Nga”), một thuật ngữ thường được sử dụng ở Đức để chỉ trích các lãnh đạo chính trị bi cho là khoan dung quá mức đối với Điện Kremlin. 

Theo Le Monde, trước hai chuyến công du của thủ tướng Olaf Scholz đến Kiev rồi đến Matxcơva, bài phát biểu của ông Steinmeier có mục đích kép. Trước hết phản bác những người, trong những tuần gần đây, đã đánh giá rằng chính phủ Đức thiếu đoàn kết với Ukraina bằng cách từ chối giao vũ khí cho nước này và không nói rõ tương lai của đường ống dẫn khí Nord Stream 2 sẽ ra sao trong trường hợp một cuộc tấn công của Nga. 

Mục tiêu thứ hai là nhằm khẳng định lập trường đoạn tuyệt với một nhân vật quan trọng khác trong đảng SPD, là cựu thủ tướng Gerhard Schröder, một người thân Nga đến mức mà vào ngày 28 tháng 1 vừa qua đã cáo buộc NATO chịu trách nhiệm cho sự leo thang, trong khi Nga thì "không có lợi ích gì khi can thiệp quân sự vào Ukraina”. 

Tuyên bố này của ông Schröder từng bị phó chủ tịch SPD, Kevin Kühnert, miêu tả là “nhảm nhí”, và bị thủ tướng Scholz phủ nhận khi cho rằng: “Ông  Schröder không làm việc cho chính phủ và không phát biểu nhân danh chính phủ”.

Monday, February 14, 2022

Vài kinh nghiệm nhỏ cho quý anh chị thủ quỹ trong tương lai. Quý anh chị cần nên đọc để biết.

Kính thưa quý anh chị ,
Sau gần 8 năm nhận nhiệm vụ thủ quỹ cho tổng hội và chỉ còn vài tháng nữa tôi sẽ rời nhiệm vụ khi có ban chấp hành tổng hội mới .Tôi ghi lại một vài ý kiến cũng như kinh nghiệm để quý anh chị  sau này nếu có nhận trách nhiệm sẽ gặp phải.
Trước đây khi anh Nguyễn bác Ái làm Tổng hội trưởng, Anh đã ghi danh hoạt động bất vụ lợi của Tổng hội ở tiểu bang Oregon. Dù ghi danh là của Tổng hội, nhưng anh phải đứng tên chịu hoàn toàn trách nhiệm về vấn đề báo cáo tài chính cũng như đóng lệ phí hàng năm cho chính quyền.
Cho đến lúc anh Hoàng như Bá làm Tổng hội Trưởng, vì tin tưởng nhau khi tôi vẫn còn giữ nhiệm vụ thủ quỹ nên chúng tôi vẫn tiếp tục dùng giấy phép cũ của tiểu bang Oregon.

Khi chúng ta có một Tổng hội trưởng và thủ quỹ mới, việc cần thiết nhất là hỏi anh Nguyễn bác Ái có đồng ý tiếp tục nhận trách nhiệm pháp lý cho T/H hay không ?
Nếu anh không đồng ý, Tổng hội trưởng mới phải đứng ra, chịu trách nhiệm để xin lại giấp phép hoạt động.
Cần có giấy phép từ các cơ quan thuế vụ để hợp pháp hoá cho những đóng góp của quý anh chị em cho T/H và tránh rắc rối cho những anh em nhận trách nhiệm thủ quỹ về sau.  Cũng như khi có lệnh phong toả của nhà bank hay của chính phủ vì thiếu nợ hay thiếu thuế của cá nhân đó, nó sẽ không ảnh hưởng gì đến account của Tổng hội. Hoạt động của  Tổng hội sẽ bị hạn chế rất nhiều vì không thể làm biên nhận trừ thuế cho quý anh chị em đã đóng góp, nếu không có giấy phép hoạt động hợp pháp. Trường hợp đối với THNKT chưa có, nhưng nếu hỏi thăm các TH khác, các anh chị sẽ biết được có những mạnh thường quân giúp đở 50-100 ngàn. Nếu không được trừ thuế, họ sẽ không làm điều này.
Riêng với THNKT từ trước tới nay quý anh chị em đóng góp trên 500 cho T/hội đều nhận được biên lai trừ thuế vào cuối năm.

Việc cần làm:

Trước nhất phải ghi danh với sở  thuế liên bang và tiểu bang , kế đến là bộ tư pháp tiểu bang xin mở cơ quan bất vụ lợi. Việc ghi danh này không phải là phải đóng thuế, nhưng phải có số TIN của sở thuế liên bang và tiểu bang mới mở được account ở nhà bank. Không làm việc này cũng không sao nhưng không thể mở account dưới tên của THNKT được. Việc này có rất nhiều hạn chế cho thủ quỹ.
Lấy một thí dụ điển hình cho quý anh chị rõ hơn . Khi nhận check của quý anh chị gởi về, để tên là THNKT thì tôi không thể nào bỏ vào account tên tôi được và khi gởi check về với tên Lê Hoàng thì không thể bỏ vào account của Tổng hội được. Việc này rất dễ lẫn lộn nếu nhận 40-50 cái check và phải theo dõi cho đúng account.

-Nếu người thủ quỹ đang lãnh tiền hưu cao hay có lợi tức khá cao thì không sao. Nhưng nếu người lãnh tiền hưu quá thấp mà phải lãnh thêm tiền supplement của tiểu bang hay được trợ giúp tiền part B hay các giúp đở xã hội khác của chính phủ, thì việc giữ tiền quỹ rất phiền phức. Bởi vì khi nhận vài trăm bỏ vào nhà bank mình, có thể bị sở xã hội cắt tiền trợ cấp hay SSA hay bắt đóng tiền Medical part B hay các giúp đở khác của chính quyền.

-Nếu người giữ tiền T/H có lợi tức cao những rắc rối sẽ gặp là điền form khai báo cho sở thuế khi gỡi tiền cho anh em ở Việt Nam theo luật thuế năm nay là 2000/tháng . Với số tiền tuy quý anh chị thấy đóng góp nhỏ , nhưng mỗi năm quỹ tổng hội thường thường ra vào 3- 40 ngàn Hiện nay, theo luật mới vào năm tới, những giao dịch trên 10000/ năm ngân hàng sẽ tự động báo sở thuế. Nếu giao dịch từ  Paypal, Venmo trên 600 cũng sẽ được được tự động báo cáo về sở thuế.  Khi sở thuế muốn audit, họ chỉ lấy hồ sơ từ nhà bank và cộng tất cả các deposit trong năm và xem đó là tiền chúng ta nhận được. Họ lấy tổng số tiền đó so sánh với tiền khai thuế trên Form 1040. Số tiền khác biệt là tiền ăn gian thuế. Nhiệm vụ của người bị xét thuế là phải trình bày thế nào để họ thấy tính cách hợp pháp của số tiền khác biệt. .Nếu tất cả giấy tờ minh bạch thì không phải sợ, chỉ có một điều rất tốn thời gian là phải giãi trình từng chi thu.  Rất là mệt mõi..
Bình thường thì chúng ta thấy không sao, nhưng khi gặp chuyện mới biết.

Bởi vậy quý anh em nào có trách nhiệm giữ tiền cho tổng hội sau này nên lưu ý các vấn đề trên.

Kính

Lê Hoàng.